Lĩnh vực thiết kế minh hoạ với những ứng dụng phong phú và nhiều điều thú vị quanh công việc này. Sau đây, khách mời của chúng ta là hoạ sĩ Turine Trần sẽ có những chia sẻ về nghề thiết kế minh hoạ nhé!
Nguồn: Turine Trần
1 | Thiết kế minh hoạ là gì?
Thiết kế minh hoạ là công việc đồ hoạ thông qua công cụ mỹ thuật (có thể bao gồm: phác họa, tạo hình nhân vật, bố cục…), nhằm làm rõ, nổi bật một nội dung truyền thông, đó có thể là một thông điệp truyền thông, một hình ảnh trên bìa sách, một câu chuyện có sẵn từ một tác giả khác hoặc đôi khi là do hoạ sĩ minh hoạ tự sáng tác.
Tùy vào đặc thù của sản phẩm cần minh hoạ, họa sĩ thiết kế sẽ chọn công cụ và chất liệu phù hợp nhất để thể hiện nội dung, ví dụ vẽ tay với những chất liệu truyền thống hoặc kỹ thuật số, 3D trên phần mềm, máy tính.
Nguồn: Turine Trần
2 | Thiết kế minh hoạ cần những kỹ năng và tư duy gì?
Minh hoạ cần kỹ năng thể hiện mỹ thuật nền tảng, bao gồm kỹ năng phác thảo và thể hiện trên chất liệu được lựa chọn. Ví dụ: nếu tranh minh hoạ cần phải được vẽ tay trên chất liệu màu nước, kỹ năng vẽ màu nước là tối thiểu.
Tiếp theo, trước khi thực hiện công tác mỹ thuật, hoạ sĩ minh hoạ cần hiểu rõ đây không phải là một sáng tác cá nhân mà vẫn là một thiết kế đồ hoạ với nội dung, yêu cầu cụ thể.
Do đó, người hoạ sĩ nắm bắt, hiểu rõ nội dung mình cần biểu đạt nhằm chắt lọc những ý tưởng chính cần được thể hiện hoặc khái quát hoá thông qua ngôn ngữ mỹ thuật.
Nguồn: Turine Trần
Mỗi sản phẩm minh hoạ là nội dung được truyền đạt thông lăng kính biểu đạt riêng của người hoạ sĩ nên tính cá nhân, ngôn ngữ độc đáo cá nhân là một phần không thể thiếu.
Ngoài ra, sản phẩm sau cùng đôi khi còn có sự tham gia của những bộ phận khác như chỉ đạo nghệ thuật (Art director), biên tập (Editor), tác giả (Author), người chịu trách nhiệm thiết kế sách/ấn phẩm (Graphic designer), nhà in (Printer)… Do đó, kỹ năng làm việc nhóm và cộng tác cũng là một phần quan trọng của công việc minh hoạ sách. Người hoạ sĩ minh hoạ có thể không cần phải có kỹ năng làm hết những việc trên, nhưng kiến thức tổng quát của những bộ phận trên sẽ là lợi thế nghề nghiệp.
Nguồn: Turine Trần
3 | Các phần mềm và công cụ cần thiết để thiết kế minh hoạ?
Công cụ truyền thống gồm những chất liệu mỹ thuật truyền thống như: chì, các loại màu, đa chất liệu, hoặc kỹ thuật số như: AI, PS, 3D…
Nguồn: Turine Trần
4 | Cơ hội phát triển của nghề thiết kế minh hoạ trong tương lai?
Điều này còn tuỳ thuộc vào lĩnh vực minh hoạ bạn chọn (Quảng cáo, truyện tranh, sách thiếu nhi…) và thị trường (Việt Nam, Châu Á hay Quốc tế). Cơ hội nghề nghiệp cho ngành minh hoạ ở Việt Nam rất dồi dào và cạnh tranh cũng ít gay gắt hơn so với thế giới hay khu vực.
Nguồn: Turine Trần
Tuy nhiên, với hiện tượng toàn cầu hoá và số hoá như hiện nay thì các khái niệm về thị trường cụ thể cũng đã và đang bị xoá nhoà, nhất là với một lĩnh vực ít bị ràng buộc bởi ranh giới ngôn ngữ như mỹ thuật.
Nguồn: Turine Trần
5 | Lời khuyên dành cho sinh viên muốn theo nghề thiết kế minh hoạ?
- Nghiên cứu từ các bậc thầy trong lịch sử minh hoạ. Cập nhật những xu hướng mới nhưng nên luôn tìm về những bậc thầy trong lịch sử vì họ được đào tạo bài bản và vững chắc hơn, và dù với những công cụ giới hạn hơn nhiều so với ngày nay họ vẫn tạo ra lịch sử.
- Nghiên cứu hiện trạng thị trường minh hoạ cả Việt Nam và thế giới.
- Học hỏi từ các bậc thầy có thể đi kèm cả bắt chước cách họ thể hiện, nhưng không ngừng tìm tòi cách thể hiện của riêng mình, từ chọn đề tài, chất liệu, bố cục, bảng màu, phong cách xây dựng nhân vật, dựng hình…
- Nên không ngừng nghĩ cách để có thể sống được bằng kỹ năng. Đam mê nên đi cùng thu nhập mới có thể được nuôi dưỡng lâu dài.
Nguồn: Turine Trần
Về tác giả
Turine Trần
Turine Trần là một hoạ sĩ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Cảm hứng nghệ thuật của cô đến từ trẻ thơ, thiên nhiên, tình bè bạn, lòng hoài niệm về tuổi thơ êm đềm…
Từ năm 2001, Turine Trần theo đuổi con đường nghệ thuật qua lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng từ Sài Gòn đến Singapore, Paris rồi đến Edinburgh, nơi cô lấy bằng thạc sĩ hội họa của Trường Đại học Nghệ thuật Edinburgh. Sau đó tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu vào hội hoạ truyền thống Á Đông và lấy bằng tiến sĩ tại Singapore năm 2018.
Đến nay, cô đã có triển lãm mỹ thuật tại Anh, Singapore và hợp tác cùng nhiều nhà xuất bản, tạp chí tại Anh, Mỹ… trong lĩnh vực minh họa sách thiếu nhi. Cạnh đó, cô cũng tham gia vào việc thiết kế sáng tạo cho phim, hoạt hình và giảng dạy chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng.